top of page
Ảnh của tác giảVirtus Prosperity

Bảng Giá Đất Hà Nội Điều Chỉnh, Với Mức Tăng Cao Nhất Gấp 6 Lần So Với Trước Đây



Ngày 20/12/2024, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến bảng giá đất tại Thủ đô số 71/2024/QĐ-UBND, có hiệu lực ngay lập tức và áp dụng đến hết năm 2025.


So với bảng giá đất cũ, bảng giá đất được điều chỉnh cao gấp 2-6 lần. Theo đó, mức điều chỉnh tăng từ 190% - 270%; trong đó 10 tuyến đường của thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm bao gồm: Hàng Đào, Hàng Khay, Hàng Ngang, Lê Thái Tổ, Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nhà Thờ có mức độ điều chỉnh tăng bình quân là 270% tại các vị trí 1+2 và 245% tại các vị trí 3+4. Sau khi điều chỉnh giá đất ở tại vị trí 1 tăng từ 187,9 triệu đồng/m2 lên 695,3 triệu đồng/m2. Các tuyến phố còn lại của 4 quận nội thành bao gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng có mức độ điều chỉnh tăng bình quân là 245% tại các vị trí 1+2 và 225% tại các vị trí 3+4. Các tuyển phố của 3 quận bao gồm: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ có mức độ điều chỉnh tăng bình quân là 225% tại các vị trí 1+2 và 210% tại các vị trí 3+4.


Việc điều chỉnh bảng giá đất tăng dần tiệm cận với giá thị trường là yêu cầu cần thực hiện để bắt nhịp theo quy định của pháp luật đất đai mới. Việc điều chỉnh này mang nhiều ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế, xã hội và quản lý nhà nước. Dưới đây là các khía cạnh chính:


1. Tăng nguồn thu ngân sách của thành phố: Giá đất tăng sẽ làm tăng cơ sở tính thuế như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản, phí trước bạ,… điều này giúp tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách thành phố. Bên cạnh đó, giá đất tăng giúp Hà Nội định giá đúng hơn giá trị tài sản đất công khi chuyển giao, đấu giá, hoặc sử dụng làm tài sản thế chấp.

2. Phản ánh sát giá thị trường: Trước đây, bảng giá đất thường thấp hơn nhiều so với giá giao dịch thực tế, dẫn đến hiện tượng kê khai giá thấp để giảm thuế. Việc điều chỉnh sẽ làm giảm khoảng cách giữa giá đất Nhà nước quy định và giá thị trường, hạn chế chênh lệch giá. Giao dịch đất đai sẽ minh bạch hơn, công bằng hơn, giảm tình trạng thất thu thuế và các hình thức trốn thuế. Đây cũng là bước chuẩn bị cần thiết cho việc xây dựng bảng giá đất hàng năm tiệm cận với giá thị trường của Luật đất đai 2024 sẽ chính thức triển khai từ năm 2026.

3. Phân bổ và quản lý đất đai hiệu quả hơn: Khi giá đất tăng, chi phí cơ hội của việc sở hữu đất cũng tăng, khiến chủ đất phải cân nhắc việc sử dụng đất hợp lý hơn, tránh lãng phí hoặc bỏ hoang đất. Bên cạnh đó, giá đất tăng sẽ giúp thành phố thực hiện các chính sách quy hoạch tốt hơn, giảm tình trạng đầu cơ đất đai hoặc sử dụng đất sai mục đích, góp phần tích cực trong giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư và phát triển Thủ đô.

4. Ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp:  Các loại phí liên quan đến đất đai (như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lệ phí trước bạ,…) sẽ tăng, làm tăng gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp. Với chi phí đất đai cao hơn, các doanh nghiệp phát triển bất động sản sẽ có áp lực lớn về chi phí, từ đó thúc đẩy điều chỉnh giá bán để bù đắp chi phí dẫn đến tăng giá bất động sản. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng người có thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ từ việc giá đất tăng cao, điều này đòi hỏi phải có nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa về nhà ở xã hội hoặc thêm các chính sách đất đai đặc thù dành cho người có thu nhập thấp.


Bảng giá mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn, giảm bớt chênh lệch, đưa giá đất ở Thủ đô dần tiếp cận với thị trường. Điều này giúp thiết lập chính sách đồng bộ trong quản lý đất và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và người có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu, cân nhắc về việc giảm tỉ suất tính thuế, phí về đất đai để tránh gây tác động tiêu cực và phù hợp với thu nhập của người dân.


1 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page