top of page
Ảnh của tác giảtuan quoc

Chính sách phát triển công nghiệp chip bán dẫn của các quốc gia đầu ngành và kinh nghiệm cho Việt Nam



Có thể thấy, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu thời gian vừa qua đã chuyển mình mạnh mẽ và Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư chip. Với những khoản đầu tư tỷ đô từ các "ông lớn" như Amkor, Hana Micron, Intel, và mới đây là Nvidia, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ công nghệ toàn cầu, mở ra cơ hội để trở thành một trung tâm sản xuất và thiết kế chip chiến lược tại châu Á.


Nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các chính sách, xây dựng cơ chế, đạo luật riêng với nhiều ưu đãi trong thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ, đầu tư mạnh cho ngành sản xuất chip bán dẫn. Việt Nam đang trong giai đoạn thúc đẩy hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi, hạ tầng kỹ thuật, quản trị, nhân lực để phát triển công nghiệp chip bán dẫn trong tương lai. Nghiên cứu, tham khảo chính sách pháp luật về phát triển công nghiệp chip bán dẫn của một số nước đầu ngành để vận dụng phù hợp với điều kiện và hoản cảnh của Việt Nam là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.


I. Chính sách phát triển công nghiệp chip bán dẫn của một số quốc gia đầu ngành


1. Mỹ - Đạo luật CHIPS 2022


Với mục tiêu duy trì vị thế dẫn đầu trong cuộc đua toàn cầu về chất bán dẫn, tháng 8/2022, Tổng thống Mỹ J. Biden đã ký ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học (sau đây gọi tắt là “Đạo luật CHIPS”), trong đó có khoản đầu tư công lên tới hơn 50 tỷ USD dành cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động phục vụ ngành bán dẫn trong nước. Đạo luật CHIPS hướng tới 2 mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ.


Đầu tiên, Đạo luật CHIPS đã thúc đẩy đáng kể sự tham gia của khu vực tư nhân trong ngành bán dẫn tại Mỹ. Theo đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chip bán dẫn có thể nhận gói tài trợ trên 150 triệu USD nếu thỏa mãn 2 điều kiện quan trọng:


(i) Chính phủ Mỹ yêu cầu các công ty muốn nhận trợ cấp trên 150 triệu USD phải công khai kế hoạch đầu tư cụ thể, bao gồm cả dòng tiền, lợi nhuận, và trao cho các cơ quan giám sát của Mỹ quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu trong hoạt động sản xuất. Đây là yếu tố nhạy cảm với các công ty sản xuất chip nước ngoài do lo ngại tiết lộ bí mật công nghệ. Đồng thời, nếu công ty thu về lợi nhuận vượt mong đợi, họ sẽ phải nộp lại 75% số tiền trợ cấp cho chính phủ Mỹ.


(ii) Mỹ tái khẳng định nguyên tắc loại các doanh nghiệp có ý định tăng quy mô sản xuất và đầu tư ở các quốc gia gây lo ngại về an ninh. Điều đó có nghĩa là để nhận được trợ cấp, các công ty sản xuất bán dẫn không thể mở rộng đầu tư ở Trung Quốc trong vòng 10 năm, một trong những cứ điểm sản xuất chip lớn nhất thế giới. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng phải cam kết, trong tương lai, sẽ đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ bao gồm chương trình nghiên cứu và phát triển hay hỗ trợ các doanh nghiệp khác tại Mỹ.


Tiếp đó, một chính sách mới được bổ sung vào tháng 3/2023, sau 06 tháng Đạo luật CHIPS được ban hành là “Khoản tín dụng đầu tư sản xuất nâng cao”, cung cấp khoản tín dụng thuế đầu tư 25% cho các công ty để xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn. Khoản tín dụng này được ước tính trị giá khoảng 24 tỷ USD, có vai trò chủ chốt trong việc giúp sản xuất chip trong nước trở thành một lựa chọn hấp dẫn so nước ngoài bằng cách giảm thiểu các chi phí cao để thuê nhân công tại Mỹ.


Đặc biệt, việc phát triển lực lượng lao động là khía cạnh quan trọng để bảo đảm sự hồi sinh ngành sản xuất chip tại Mỹ do Đạo luật CHIPS thúc đẩy. Đến nay, đã có hơn 50 trường cao đẳng cộng đồng tại 19 bang giới thiệu và mở rộng các chương trình nhằm trang bị cho công nhân Mỹ những kỹ năng cần thiết để tham gia vào ngành bán dẫn. Chính quyền Mỹ coi đây là một bước đi “không thể thiếu” để bồi dưỡng lực lượng lao động lành nghề và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.


Mỹ hướng tới một tương lai có thể tự cung cấp chip bán dẫn, coi việc hợp tác và gắn kết với các đối tác toàn cầu là một trách nhiệm then chốt để đạt được mục tiêu này. Để đối phó rủi ro phát sinh mâu thuẫn với các đồng minh với chiến lược tự chủ này, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á, các bộ, ngành của Mỹ đã và đang xây dựng các thỏa thuận hợp tác với những quốc gia đồng minh. Các thỏa thuận này nhằm bảo đảm các khoản đầu tư ra nước ngoài đi theo khuôn khổ của Đạo luật CHIPS, phù hợp chiến lược an ninh quốc gia Mỹ, bao gồm cả việc không bán các vật liệu, chip cho những quốc gia đối thủ.


Đây cũng chính là chiến lược để dẫn đầu trong ngành bán dẫn chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vạch ra. Đạo luật CHIPS là một chiến lược rất quan trọng để Mỹ giành lại vị thế vốn có trong ngành sản xuất chất bán dẫn.


2.  Đài Loan – Đào tạo và Chính sách ưu đãi đặc biệt


Thực tế cho thấy cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa các đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chính quyền trong nhiều chục năm qua đưa ngành bán dẫn Đài Loan lên hàng đầu thế giới. Đài Loan hiện cung cấp hơn một nửa số chip bán dẫn cho toàn cầu. Với các chất bán dẫn tiên tiến nhất, Đài Loan chiếm 92% sản lượng, theo thống kê của Boston Consulting.


Mô hình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan, trong đó có đào tạo nhân lực, dựa trên 4 trục: chính quyền, công ty, trường đại học, các viện nghiên cứu và phát triển (R&D). Bốn thành tố này hỗ trợ, nâng đỡ và giải quyết các vấn đề của nhau. Doanh nghiệp đặt hàng viện nghiên cứu, trường đại học tìm kiếm các giải pháp trong sản xuất, tuyển dụng sinh viên từ các trường. Viện nghiên cứu cung cấp các khóa học nâng cao, đào tạo tay nghề cho lao động tại doanh nghiệp. Các trường đại học gửi sinh viên đến thực tập tại hai nơi này. Chính quyền đứng ở giữa, đóng vai trò kết nối, điều phối, đưa ra chiến lược phát triển tổng thể và cung cấp ngân sách. Đến năm 2023, gần 400.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến lĩnh vực bán dẫn, được tiếp cận và hưởng lợi từ mô hình này.


Đặc biệt mới đây, Đài Loan đã thông qua đạo luật Chips  với nhiều ưu đãi mới để tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn, đặc biệt khi các chính phủ lớn đang chạy đua để đưa hoạt động sản xuất chip về nước. Đặc biệt, trong đó cho phép các công ty chip địa phương chuyển 25% chi phí nghiên cứu và phát triển hằng năm thành tín dụng thuế, một phần trong nỗ lực giữ công nghệ bán dẫn tiên tiến ở quê nhà và duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ.


3. Trung Quốc – “Made in China 2025”


Trung Quốc đã đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực bán dẫn thông qua một loạt chính sách, kế hoạch chiến lược và quy định pháp luật cụ thể. Dưới đây là một số điểm nổi bật:


(i) Kế hoạch chiến lược quốc gia:


Đầu tiên, ra mắt vào năm 2015, "Made in China 2025" là kế hoạch tổng thể để giảm phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất nội địa trong các ngành công nghệ cao, bao gồm chip bán dẫn. Đặt mục tiêu sản xuất 70% nhu cầu bán dẫn trong nước vào năm 2025.


Tiếp đó là "Kế hoạch Phát triển Công nghiệp Mạch Tích hợp" (2014-2030): Tập trung vào tự chủ sản xuất, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), và xây dựng các trung tâm sản xuất chip hiện đại. Phát triển các công nghệ lõi như AI, 5G, và điện toán lượng tử liên quan đến bán dẫn.


(ii) Chính sách tài chính và đầu tư:

Năm 2014, Trung Quốc đã thành lập “Quỹ Công nghiệp Mạch Tích hợp Quốc gia (Big Fund)” với quy mô 138 tỷ nhân dân tệ (khoảng 21 tỷ USD) và tiếp tục mở rộng với giai đoạn 2 năm 2019 (quy mô hơn 29 tỷ USD). Quỹ đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp và dự án chiến lược trong lĩnh vực bán dẫn, bao gồm sản xuất, thiết kế và R&D.


(iii) Hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế: 


Các công ty bán dẫn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 5-10 năm tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ. Đồng thời, miễn giảm thuế nhập khẩu cho các thiết bị và linh kiện phục vụ sản xuất chip.


(iv) Phát triển nguồn nhân lực: 


Chính phủ đầu tư mạnh vào các chương trình đào tạo, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để phát triển nguồn nhân lực. Chính sách khuyến khích nhân tài Trung Quốc ở nước ngoài quay về cống hiến cho ngành công nghiệp bán dẫn.


(v) Hợp tác công-tư:


Thúc đẩy quan hệ đối tác giữa chính phủ, các doanh nghiệp lớn (như SMIC, Huawei), và các tổ chức nghiên cứu để đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ.


Như vậy, Trung Quốc với mục tiêu đạt tự chủ công nghệ và trở thành quốc gia dẫn đầu ngành công nghiệp chip bán dẫn đã xây dựng một loạt chiến lược phát triển dài hạn và đưa ra nhiều chính sách ưu tiên đầu tư công nghệ cốt lõi này.


4. Hàn Quốc - Mở rộng ưu đãi thuế cho ngành sản xuất Chip


Nền kinh tế thứ 4 châu Á phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu chất bán dẫn. Tuy nhiên, số liệu xuất khẩu suy giảm mạnh thời gian gần đây do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu trong lĩnh vực này.  “Đạo luật về chip của Hàn Quốc” với các khoản giảm thuế lớn hơn đối với các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn để giảm bớt gánh nặng cho các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đang cạnh tranh trong cuộc chạy đua vũ trang chip toàn cầu.


Đạo luật Thuế đặc biệt được Quốc hội Hàn Quốc thông qua nhằm tăng cường hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn bằng cách mở rộng ưu đãi thuế cho các nhà sản xuất chip và các ngành công nghiệp chiến lược khác. Đạo luật Thuế đặc biệt (K-Chips) tập trung vào việc tăng tỷ lệ tín dụng thuế với các công ty đầu tư cơ sở vật chất vào các ngành chiến lược quốc gia, bao gồm chất bán dẫn, pin thứ cấp và ôtô điện.


Theo đó tỷ lệ tín dụng thuế đối với các tập đoàn sẽ tăng từ 8% hiện nay lên 15%, trong khi tỷ lệ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tăng từ 16% lên 25%. Các doanh nghiệp cũng được cắt giảm thêm 10% thuế đối với số tiền đầu tư tăng thêm so với mức đầu tư bình quân của 3 năm trước đó. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, 10 nhà sản xuất chip hàng đầu của Hàn Quốc sẽ tiết kiệm tới 360 tỷ won (277 triệu USD) nếu tỷ lệ khấu trừ/tín dụng thuế tăng thêm 1 phần trăm.


5. Nhật Bản - Ban hành các gói trợ cấp và triển khai các dự án đầy tham vọng


Chính sách và pháp luật của Nhật Bản về ngành bán dẫn tập trung vào tự chủ công nghệ, hợp tác quốc tế, và phát triển nguồn nhân lực. Với nền tảng công nghệ vững chắc và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, Nhật Bản đang hướng tới củng cố vị thế của mình trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.


Chính phủ Nhật Bản công bố một kế hoạch toàn diện với ngân sách hơn 600 tỷ yên (khoảng 5,2 tỷ USD) để phát triển ngành bán dẫn và công nghệ lượng tử dựa theo sáng kiến "Chính sách Công nghiệp Bán dẫn và Công nghệ Lượng tử" (2021). Đồng thời, tăng cường đầu tư vào R&D để phát triển chip tiên tiến, bao gồm công nghệ dưới 2nm.


Mới đây, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục cung cấp các khoản hỗ trợ cho tập đoàn bán dẫn TSMC để xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn thứ 2 tại tỉnh Kumamoto. Nhà máy này có thể sản xuất chất bán dẫn có kích thước từ 6 đến 7 nanomet, tiên tiến hơn nhiều so với công nghệ 40 nanomet mà Nhật Bản hiện có thể sản xuất. TSMC là đơn vị sản xuất bán dẫn độc lập lớn nhất thế giới, nhận gia công chip cho các hãng công nghệ hàng đầu như Apple, Qualcolmm, AMD... Hiện các cơ sở sản xuất chip của tập đoàn này chủ yếu tập trung tại Đài Loan (Trung Quốc).


Chính phủ của Thủ tướng Kishida Fumio đã phân bổ 4.000 tỷ Yen (26,7 tỷ USD) tài trợ trong 3 năm để củng cố năng lực sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản, với mục tiêu đạt 10.000 tỷ Yen, số bán của chip sản xuất nội địa, lên hơn 15.000 tỷ Yen vào năm 2030. Chiến lược sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản bao gồm hai trụ cột chính: thu hút các nhà sản xuất chip nước ngoài bằng cách ban hành các gói trợ cấp và triển khai các dự án đầy tham vọng để giành lại vị thế dẫn đầu trong công nghệ chip, giảm nguy cơ phụ thuộc vào nguồn cung không ổn định từ bên ngoài.


Ngoài ra, các ông lớn khác trong ngành như Micron Technology, ASML hay Samsung Electronics... cũng đang đầu tư vào các cơ sở sản xuất hoặc nghiên cứu tại Nhật Bản do bị thu hút bởi lực lượng lao động lành nghề, dịch vụ đáng tin cậy và chính sách hỗ trợ hẫu hĩnh của đất nước này.


II. Một số kinh nghiệm cho Việt Nam


Với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các nước phát triển về công nghệ chip bán dẫn trong thời gian qua và trước nhu cầu không thể thiếu chip bán dẫn trong các sản phẩm của kỷ nguyên chuyển đổi số, Việt Nam cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm chính sách của các quốc gia, xây dựng kế hoạch, chiến lược dài hạn, trung hạn về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, từng bước tiếp cận tham gia vào các khâu, chuỗi sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn, tăng cường hợp tác quốc tế để đảm bảo trong tương lai 10-20 năm tới không bị nằm ngoài xu thế phát triển và bị động trong ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu thế giới.

Năm 2024 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng và là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30 - 50 năm tới. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, xác định công nghiệp bán dẫn là ngành công nghệ cao, được ưu tiên. Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; xây dựng “Chiến lược Phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030”. Trước đó, tại Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã yêu cầu "Tập trung đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 - 2030".


Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang gấp rút nghiên cứu, phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước, tập đoàn tư vấn Quốc tế để góp ý hoàn thiện nội dung cho Dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045;


Ngành công nghiệp bán dẫn thế giới đã phát triển rất cao và đã có sự phân công trình độ công nghệ khác nhau giữa các quốc gia. Do đó Việt Nam cần có chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, hợp tác với nước ngoài, mục tiêu và lợi ích của đối tác là những yếu tố cần cân nhắc để xây dựng phương án hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ phù hợp. Để thu hút đầu tư cần đánh giá lựa chọn giữa các hình thức (đầu tư FDI, liên doanh hay chuyển giao toàn bộ công nghệ…) để Việt Nam có thể từng bước nắm bắt, làm chủ và phát triển được công nghệ trong ngành bán dẫn.


Từ nghiên cứu những kinh nghiệm chính sách thành công của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, chúng tôi có một số đề xuất sau:


1. Sớm ban hành các chính sách, pháp luật phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lĩnh vực vi mạch hay các doanh nghiệp ở Việt Nam đang hoạt động trực tiếp làm về lĩnh vực vi mạch bất kể lớn hay nhỏ đều dễ dàng nhận được ưu đãi từ các chính sách thuế và hạ tầng của Chính phủ.


2. Về chính sách thuế: Việt Nam nên tham khảo Đạo luật về chip của Hàn Quốc và Mỹ với các khoản giảm thuế lớn hơn đối với các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn để giảm bớt gánh nặng, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất chip.


3. Về nguồn nhân lực: Để đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao để tận dụng được mối quan hệ hợp tác với các quốc gia có công nghiệp bán dẫn phát triển, về ngắn hạn, Việt Nam cần xem xét sửa đổi luật để cho phép nhân lực cao nước ngoài vào làm việc, và xây dựng cơ chế quản lý riêng cho lĩnh vực công nghệ cao để kịp đón nhận được làn sóng đầu tư.  Đề án phát triển nguồn nhân lực phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam không thể thiếu nguồn nhân lực cao về tư pháp, pháp lý, chính sách. Đồng thời, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của Đài Loan, trong đó có đào tạo nhân lực, dựa trên 4 trục: chính quyền, công ty, trường đại học, các viện nghiên cứu và phát triển (R&D). Bốn thành tố này hỗ trợ, nâng đỡ và giải quyết các vấn đề của nhau.


4. Việt Nam nên nghiên cứu và xây dựng các chính sách thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn theo hình thức công - tư, hỗ trợ các tập đoàn, công ty tư nhân lớn có tiềm lực như Viettel, FPT, Vingroup… xây dựng nhà máy chip bán dẫn. Trong đó, tập trung tăng cường đầu tư cho R&D; hợp tác nghiên cứu với nước ngoài; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, đào tạo chuyên gia kĩ thuật cao; tập hợp, thu hút sự tham gia của chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài trong tham vấn chính sách, tham gia trực tiếp vào các dự án nghiên cứu, sản xuất chip bán dẫn.




2 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentários


bottom of page