Tín hiệu khả quan của ngành xe điện thế giới
Mới đây, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã dự báo năm 2024 sẽ là một năm phát triển thuận lợi nữa cho thị trường xe điện toàn cầu và nhiều khả năng đạt doanh số cao nhất từ trước đến nay. Ngoại trừ thị trường châu Âu đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng bị thu hẹp do nhiều nước kết thúc chính sách hỗ trợ giá xe, các thị trường lớn khác đều cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh. Doanh số ô tô điện trên toàn cầu trong quý I/2024 đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay hứa hẹn sẽ là năm tăng trưởng kỷ lục của ngành xe điện toàn cầu, với doanh số dự kiến chạm mốc 17 triệu xe, tăng 3 triệu xe so với năm 2023.
Ngành xe điện Việt Nam và những điểm sáng
Việt Nam cũng không nằm ngoài “cuộc đua” trên thị trường xe điện. Như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng ban hành những chính sách mới để mở đường cho xe điện phát triển. Hiện nay, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính đang nghiên cứu và đề xuất sửa đổi các quy định theo hướng ưu đãi thuế của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời hạn 5 năm nhằm khuyến khích sản xuất và sử dụng xe điện tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế xã hội trong nước tương đối ổn định và có nhiều dấu hiệu khởi sắc khiến Việt Nam trở thành một thị trường tiềm năng để phát triển ô tô nói chung và xe động cơ điện nói riêng. Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện vào khoảng năm 2028 và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040.
Ước tính doanh số bán xe điện hàng năm tại Việt Nam
Tính đến nay, đã có nhiều định hướng cụ thể từ Chính phủ để thúc đẩy thị trường xe điện ở Việt Nam, cụ thể là Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Chương trình này đặt mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh nhằm đưa phát thải ròng nhà kính về 0 vào năm 2050, trong đó giai đoạn đầu của Chương trình từ năm 2020 – 2030, Việt Nam sẽ tập trung vào việc sản xuất, lắp ráp và đẩy mạnh việc sử dụng xe điện cho người dân, đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng sạc điện.
Giai đoạn thứ 2 từ năm 2031 – 2050 sẽ từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong nước. Mục tiêu đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Trước đây, việc sản xuất ô tô chạy xăng bị Nhật Bản và các nước châu Âu thống trị, nhưng với xe điện, đây là cơ hội cho các nước mới gia nhập ngành, điển hình như Việt Nam bởi nhu cầu tăng trưởng nhanh chóng đối với xe ô tô cũng như sự gần gũi với các thị trường tiềm năng và các nguồn tài nguyên đa dạng của quốc gia.
Không chỉ thế, ngành xe điện Việt Nam đã có những bước khởi đầu tốt khi là quê nhà của hãng xe VinFast - với kế hoạch nâng công suất mỗi năm từ 250.000 xe lên 1 triệu xe, có thể sau này sẽ trở thành đơn vị đi đầu trong lĩnh vực sản xuất xe điện trong khối ASEAN. Trong đó, Indonesia có khả năng sẽ là thị trường nước ngoài chính của VinFast và các nhà sản xuất xe điện khác của Việt Nam. Như vậy có thể nói, thị trường xe điện Việt còn nhiều điểm sáng và niềm tăng để khai phá, mở ra một tương lai khả quan cho những nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Chiến lược kinh doanh của gã xe điện khổng lồ Tesla
Tesla có tổng vốn hóa thị trường là 547 tỷ USD (2024), khiến tập đoàn trở thành công ty có giá trị lớn thứ bảy trên thế giới. Mặc dù con số này chỉ bằng khoảng một nửa giá trị đỉnh điểm 1,06 nghìn tỷ USD vào năm 2021, nhưng nhìn chung vẫn là một khoản đầu tư hấp dẫn và hầu hết các nhà đầu tư đều nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn. Thương hiệu Tesla cũng rất có giá trị, được định giá 76 tỷ USD vào năm 2023, gần gấp đôi so với mức định giá năm 2022.
Một khía cạnh khác của chiến lược tài chính linh hoạt được minh chứng bằng khả năng của Tesla trong việc giảm nhu cầu đầu tư vốn, cho phép doanh nghiệp phân bổ tài nguyên một cách hiệu quả hơn. Công ty đã tối ưu hóa các quy trình sản xuất, đặc biệt tại các nhà máy lớn, giảm chi phí sản xuất trên mỗi đơn vị trong khi tăng số lượng sản phẩm được tạo ra. Việc tối ưu hóa này giúp công ty tăng trưởng mà không cần rót vốn quá nhiều. Không những thế, chiến lược rút gọn chi phí vẫn được doanh nghiệp duy trì hàng năm, tạo ra hiệu quả kinh tế và tiết kiệm đáng kể nguồn tài nguyên của Tesla.
Tôn chỉ của Tesla cũng gắn liền với công nghệ hiện đại, cho phép cập nhật phần mềm của sản phẩm qua mạng, nâng cấp tính năng và chức năng của xe mà không cần phải nâng cấp phần cứng. Phương pháp tiếp cận này giúp giảm chi phí đầu tư và bảo trì cho xe, trong khi vẫn tạo ra giá trị sử dụng cho khách hàng. Bằng cách giảm nhu cầu đầu tư vốn, Tesla có thể phân bổ tài nguyên hiệu quả hơn, hỗ trợ các kế hoạch tăng trưởng tài chính và duy trì sự linh hoạt.
Bên cạnh chiến lược huy động vốn, Tesla còn nổi tiếng với các khoản thu từ việc bán tín chỉ carbon. Dòng doanh thu này đã đóng vai trò quan trọng đối với Tesla. Trong các báo cáo quý 4 và năm 2023 gần đây, Tesla báo cáo thu nhập 433 triệu USD từ việc kinh doanh này. Con số giảm 7% so với cùng kỳ năm trước (YoY) so với 467 triệu USD kiếm được trong quý 4 năm 2023 bởi các doanh nghiệp đang dần đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải do nhà nước đề ra. Tuy nhiên, tổng doanh thu hàng năm của Tesla từ việc bán tín chỉ carbon năm 2023 đã tăng lên 1,79 tỷ USD từ 1,78 tỷ USD, chiếm 3% tổng doanh thu các mảng.
Thị trường xe điện ngày càng trở nên khốc liệt
Mặc dù đã đạt được đỉnh cao thị phần và doanh số kỷ lục năm 2020, sự tăng trưởng của Tesla đang dần giảm tốc. Cách đây vài năm, Tesla vẫn còn là ông lớn thống trị thị trường xe điện khi không có thương hiệu nào có thể so sánh về công nghệ, phạm vi hoạt động sau mỗi lần sạc của sản phẩm, chuỗi cung ứng, mạng lưới trạm sạc và chất lượng sản phẩm. Thế nhưng trong năm vừa qua, việc các hãng xe Trung Quốc vượt mặt Tesla trong mảng xe điện đã kích thích hàng loạt thương hiệu ô tô đầu tư cho xe điện như Hyundai, Kia với giá thành ngày càng giảm, khiến ngày một nhiều người dân tiếp cận được với xe điện. Trong báo cáo doanh số bán xe điện toàn cầu quý II/2024, Tesla ghi nhận đã giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước xuống chỉ còn 444.000 chiếc. Từ tập đoàn tiên phong, nay Tesla lại đang đi chậm hơn so với xu hướng toàn cầu.
Lần đầu tiên trong lịch sử, thị phần xe điện Tesla thấp hơn 50% tại Mỹ. Mới đây, báo cáo của Cox Automotive cho thấy thị phần xe điện của Tesla tại Mỹ đã xuống dưới 50% trong quý II/2024 bất chấp doanh số bán xe điện toàn quốc tăng trưởng lên mức kỷ lục. Đây cũng là bằng chứng mới nhất cho thấy Elon Musk đang mất dần vị thế kể từ khi Tesla giới thiệu dòng xe Model S vào năm 2012 và thống trị thị trường xe điện suốt những năm sau đó. Qua đó cho thấy đế chế của Elon Musk đang thất thế trước GM, Ford, Hyundai và Kia trong mảng xe điện.
Tương lai và thách thức trong lĩnh vực xe điện thế giới
Từ ví dụ thực tiễn của tập đoàn Tesla, có thể thấy, xu hướng ô tô điện đã tạo nên sự dịch chuyển cơ cấu của ngành công nghiệp ô tô hiện nay khi các hãng sản xuất xe hơi và công nghiệp phụ trợ cũng bắt đầu thay đổi chiến lược để phù hợp với xu thế mới. Các hãng sản xuất xe ô tô lớn và nhỏ cũng bắt đầu tham gia vào thị trường khiến xu hướng ô tô điện có triển vọng hơn bao giờ hết.
Với triển vọng của xu hướng ô tô điện trong tương lai, các hãng sản xuất xe hơi đã có chiến lược dịch chuyển cơ cấu sản xuất, tập trung vào nghiên cứu, sản xuất các dòng xe điện. Volkswagen, Vinfast, Mercedes, Ford, Audi và 29 hãng xe khác đã có kế hoạch đầu tư khoảng 500 tỷ USD trong vòng 5 – 10 năm tới để sản xuất các mẫu xe điện và lai điện. Như vậy, Việt Nam cũng tiềm năng gia nhập cuộc đua này, trước mắt là tại thị trường Đông Nam Á và Châu Á.
Trong tương lai, những chiếc xe hơi chạy điện không chỉ có khả năng tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải, mà còn có thể tự vận hành, kết nối với đường phố và điều kiện xung quanh bằng hệ thống cảm biến phức tạp. Đó là sự khởi đầu cho sự phát triển của các dòng xe điện có chức năng tự lái.
Tuy nhiên, có cơ hội ắt cũng sẽ tồn tại nhiều thách thức đối với ngành công nghiệp xe điện. Có thể kể đến các yếu tố như hết hạn trợ cấp tài chính, hạn chế về tài nguyên khoáng sản, vấn đề đa dạng hóa các nhóm người tiêu dùng khi nhu cầu ngày càng phức tạp, hệ thống sạc công cộng chưa đủ dày để đáp ứng. Lithium cũng là một tài nguyên vô cùng quan trọng để chế tạo xe điện, nhưng tình trạng khủng hoảng nguồn cung của kim loại này đã dấy lên mối lo ngại cho các nhà sản xuất. Đồng thời, suy thoái kinh tế cũng ít nhiều đóng vai trò vào sự sụt giảm nhu cầu mua phương tiện đi lại. Ngay cả tập đoàn lớn như Tesla cũng đã báo cáo lượng giao hàng tại các thị trường sụt 8,5% trong quý I, lần đầu hạ sau 4 năm tăng trưởng mạnh mẽ.
Như vậy, thách thức và cơ hội của thị trường xe điện đã tạo ra đề bài cho các nhà đầu tư lĩnh vực này phải tìm cách bắt kịp xu hướng thị trường, cũng như thúc đẩy một tương lai điện khí hoá toàn cầu trong bối cảnh cắt giảm thải Carbon.
Comments