top of page
Ảnh của tác giảVirtus Prosperity

Các ngân hàng lớn rút khỏi NZBA: Động thái chiến lược hay thách thức từ chính trị?



Gần đây, một loạt các ngân hàng lớn của Mỹ như Goldman Sachs, Wells Fargo, Citigroup, và Bank of America đã lần lượt rút khỏi Liên minh Ngân hàng Net Zero (NZBA). Quyết định này thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt khi các ngân hàng đang chịu áp lực chính trị từ Đảng Cộng hòa liên quan đến luật chống độc quyền.


NZBA là gì?


NZBA được thành lập vào năm 2021 bởi Liên Hợp Quốc, quy tụ hơn 100 ngân hàng hàng đầu thế giới cam kết điều chỉnh hoạt động tài chính nhằm đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, liên minh này đã vấp phải chỉ trích từ Đảng Cộng hòa, vốn cho rằng các sáng kiến khí hậu gây tổn hại đến lợi ích kinh tế và vi phạm luật chống độc quyền.


Làn sóng rút lui từ các ngân hàng lớn


  • Goldman Sachs: Ngày 8/12, Goldman Sachs thông báo rời khỏi NZBA nhưng không đưa ra lý do cụ thể. Dù vậy, ngân hàng vẫn cam kết hỗ trợ phát triển bền vững, năm 2019, ngân hàng này cho biết sẽ cấp 750 tỷ USD tín dụng bền vững vào năm 2030. Họ đã đạt khoảng 75% mục tiêu này trong báo cáo phát triển bền vững năm 2023.

  • Wells Fargo: Ngày 20/12, Wells Fargo – ngân hàng lớn thứ 4 tại Mỹ – cũng tuyên bố rút khỏi NZBA, tiếp nối động thái của Goldman Sachs.

  • Citigroup và Bank of America: Hai ngân hàng này cũng rời liên minh với lý do vẫn tiếp tục tiến bộ trong mục tiêu phát thải ròng bằng 0 thông qua các sáng kiến nội bộ, đồng thời duy trì hợp tác với khách hàng.

  • Morgan Stanley: Ngày 2-1 (giờ địa phương), gã khổng lồ tài chính Mỹ Morgan Stanley đã trở thành ngân hàng mới nhất rời khỏi Liên minh ngân hàng Net Zero (NZBA). Trước đó trong tuần này, Citigroup và Bank of America cũng rút khỏi NZBA.


Làn sóng rút khỏi liên minh này bắt đầu chỉ một tháng sau khi ông Trump thắng cử. Khi Goldman Sachs - ngân hàng đầu tiên rời đi, tổng tài sản của liên minh này là 73.000 tỷ USD. Sau sự ra đi liên tiếp của các ngân hàng lớn, tổng tài sản của các thành viên trong liên minh còn 64.000 tỷ USD.


Đến nay, liên minh này còn 142 ngân hàng, với bốn ngân hàng từ Mỹ gồm Amalgamated, Areti, Climate First và JPMorgan Chase. Trong đó, Wall Street cho rằng ngân hàng lớn cuối cùng của Mỹ trong NZBA là JPMorgan Chase có thể sớm rút lui. Thực tế, ngân hàng này đã rời một liên minh khí hậu khác là Climate Action 100+ hồi đầu năm ngoái.


Nguyên nhân và tác động:


Lập trường của ông Trump:

Từ khi tranh cử, ông Donald Trump đã thể hiện rõ lập trường ủng hộ khai thác dầu khí tại Mỹ, xem đây là động lực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris vào năm 2017 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump và tái gia nhập hiệp định này vào năm 2021 dưới thời Tổng thống Biden. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, người phát ngôn cho biết rằng ông Trump có kế hoạch rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris một lần nữa sau khi nhậm chức. Chính sách của ông nhấn mạnh giảm bớt các quy định môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và than đá.


Phản đối từ Đảng Cộng hòa:

Các ngân hàng đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ Đảng Cộng hòa – đảng hiện kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Đảng này ủng hộ khai thác nhiên liệu hóa thạch và cho rằng các sáng kiến khí hậu làm giảm sản lượng than đá, đẩy giá năng lượng tăng cao. Các hãng quản lý tài sản lớn như BlackRock, Vanguard, và State Street đã bị kiện tại 11 bang do Đảng Cộng hòa lãnh đạo. Các vụ kiện cáo buộc rằng các hoạt động liên quan đến khí hậu của họ vi phạm luật chống độc quyền và ảnh hưởng tiêu cực đến ngành năng lượng truyền thống.


NZBA đã gây lo ngại đến nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp và năng lượng hóa thạch. 12 tiểu bang có lãnh đạo Đảng Cộng hòa cho rằng các mục tiêu net zero là không thực tế và gây tổn kém nghiêm trọng. Theo Bonner Russell Cohen, nhà phân tích chính sách cấp cao, sức mạnh tài chính của NZBA, với cam kết chỉ đầu tư vào các dự án phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đã gây lo ngại cho nhiều ngành, trong đó có nông nghiệp Mỹ. Các quan chức nông nghiệp từ 12 tiểu bang đã gửi thư lên các thành viên Mỹ trong NZBA vào đầu năm 2024, gọi mục tiêu đạt net zero trong nông nghiệp là "tác động thảm khốc". Họ cho rằng lộ trình này thiếu tính khả thi và tốn kém, với các biện pháp như chuyển sang máy móc điện, lắp đặt năng lượng tái tạo, sử dụng phân hữu cơ, thay đổi hệ thống tưới tiêu, và giảm tiêu thụ thịt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm và hoạt động sản xuất.


Trước đó, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa dẫn đầu đã công bố báo cáo cho thấy bằng chứng về hành vi cấu kết và chống cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính. Họ cáo buộc các tổ chức tài chính đã áp các mục tiêu bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) lên doanh nghiệp Mỹ. ESG là một tiêu chí do các liên minh khí hậu khởi xướng.


Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan đã đặc biệt chỉ trích các liên minh khí hậu như Hành động vì khí hậu 100+, Liên minh tài chính Glasgow Net Zero (GFANZ) – NZBA là nhánh nhỏ của liên minh này – với cáo buộc làm suy yếu tính cạnh tranh công bằng.


Theo nhà quản lý đầu tư Mark Segal, những tổ chức thành viên GFANZ đã chịu sức ép lớn từ các chính trị gia phe Cộng hòa trong những năm qua. Nhiều nhà lập pháp của đảng này cảnh báo các tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty bảo hiểm, chủ sở hữu tài sản hay nhà đầu tư có thể vướng vào tranh chấp pháp lý từ việc tham gia các liên minh chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các tổ chức này còn bị đe dọa không được tham gia vào những hợp đồng kinh doanh với chính phủ.


Mặc dù hiện chưa rõ liệu việc Tổng thống đắc cử Donald Trump quay lại Nhà Trắng trong những tuần tới sẽ đem lại tác động gì nhưng một điều chắc chắn rằng phe Cộng hòa đã gia tăng áp lực lên giới ngân hàng kể từ khi ông Trump giành chiến thắng.


Kết quả là các ngân hàng và tập đoàn lớn ngày càng thận trọng khi đưa ra động thái nào đó nhằm tránh mâu thuẫn với chính quyền mới, đồng thời dần rút lui khỏi các sáng kiến về khí hậu.


Từ bỏ nỗ lực khí hậu?


Giới phân tích cho rằng việc các ngân hàng lớn liên tục rời NZBA báo hiệu những bất ổn lớn hơn trong phát triển tài chính bền vững khi họ phải đối mặt với mâu thuẫn từ các bên liên quan. Nhà đầu tư thì yêu cầu trách nhiệm giải trình về các mục tiêu khí hậu. Nhà lập pháp lại cho rằng các hoạt động hướng tới mục tiêu này gây bất lợi cho các ngành công nghiệp truyền thống bao gồm nhiên liệu hóa thạch.


Việc thu hẹp quy mô các sáng kiến tập thể như NZBA có thể làm chậm tiến độ huy động hàng nghìn tỷ USD vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Thiếu một khuôn khổ thống nhất, các ngân hàng có thể theo đuổi các cách tiếp cận rời rạc, giảm hiệu quả tổng thể của các hành động vì khí hậu toàn cầu.


Việc hàng loạt ngân hàng lớn rời khỏi Liên minh Ngân hàng Net Zero (NZBA) ngay trước khi ông Trump quay lại Nhà Trắng đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về tác động của động thái này đối với các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Điều này phản ánh phần nào sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tình hình chính trị lên các quyết định chiến lược của các tổ chức tài chính.


Các ngân hàng tiếp tục cam kết chống biến đổi khí hậu


Mặc dù rời NZBA, các ngân hàng lớn như Morgan Stanley và Bank of America vẫn giữ cam kết mạnh mẽ đối với mục tiêu phát thải bằng 0.


  • Morgan Stanley: Đại diện ngân hàng này khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua mô hình kinh doanh riêng, cung cấp các dịch vụ tư vấn và tài chính để giúp khách hàng chuyển đổi sang các phương thức kinh doanh bền vững và giảm phát thải carbon. Họ vẫn duy trì cam kết đạt mục tiêu phát thải bằng 0, bất chấp việc rời khỏi NZBA.

  • Bank of America: Được biết đến là một trong những ngân hàng đã đạt được trung hòa carbon vào năm 2021, Bank of America cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu và duy trì các sáng kiến bền vững.

  • Citibank: Ngân hàng này quyết định chuyển trọng tâm sang hỗ trợ GFANZ (Glasgow Financial Alliance for Net Zero) thay vì duy trì vai trò trong NZBA. Đại diện Citi cho biết họ sẽ tập trung vào việc hỗ trợ chuyển đổi nền kinh tế carbon thấp thông qua GFANZ.


Mặc dù có sự thay đổi về liên minh, các ngân hàng vẫn duy trì các mục tiêu khí hậu và tiếp tục thực hiện các sáng kiến phát triển bền vững. Tuy nhiên, họ đang đối mặt với áp lực chính trị ngày càng lớn, đặc biệt trong bối cảnh các khoản vay và đầu tư vào các sáng kiến khí hậu đang gặp mâu thuẫn với các xu hướng chính trị tại Washington.


Cân bằng giữa mục tiêu bền vững và sức ép chính trị


Theo Saptakee S từ Carbon Credits, việc các ngân hàng rút khỏi các liên minh khí hậu lớn không đồng nghĩa với việc từ bỏ các cam kết khí hậu. Thay vào đó, họ có thể thúc đẩy các phương thức kinh doanh mới và đóng vai trò quan trọng trong hành động chung chống biến đổi khí hậu toàn cầu, mặc dù có sự thay đổi trong các liên minh và chiến lược của mình.

4 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page