Theo dữ liệu từ Dealogic, giá trị các thương vụ M&A toàn cầu giảm mạnh khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức thấp nhất trong một thập kỷ vừa qua. Các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở khu vực Đông Nam Á đã giảm mạnh kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2021. Những nguyên nhân có thể kể đến là lãi suất, lạm phát tăng cao và lo ngại về suy thoái kinh tế. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Khi thị trường vĩ mô không thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới định giá của các doanh nghiệp. Điều này làm giảm hấp dẫn giá trị doanh nghiệp trong mắt người mua cũng như kỳ vọng của người bán. Tuy nhiên, năm 2023 thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn diễn ra khá sôi động với sự góp mặt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo báo cáo M&A Việt Nam phát hành bởi KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị giao dịch M&A đạt 4,4 tỷ USD với hơn 260 thương vụ, giá trị trung bình mỗi thương vụ đạt hơn 54,5 triệu USD (giá trị giảm 23% so với 2022 và số lượng thương vụ cũng giảm so với 2 năm trước).
Một số thương vụ lớn có thể kể đến:
Nhật Bản, Singapore, Mỹ tiếp tục là những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sôi nổi nhất, chiếm trên 70% tổng giá trị giao dịch được công bố. Mặt khác, trong 10 tháng năm 2023, lĩnh vực tài chính và bất động sản trở thành khẩu vị ưu thích của các nhà đầu tư – chiếm tới 70% giá trị các thương vụ thành công.
Nguồn: Capital IQ, KPMG
Các nhà đầu tư nội địa gần đây xem M&A là một cách để mở rộng kinh doanh và tăng trưởng nhanh chóng. Các biến động kinh tế vĩ mô đã dẫn đến nhu cầu M&A tăng cao đối với các công ty địa phương, có thể là để tái cấu trúc, tối ưu hóa vốn và tài sản, hoặc huy động vốn để duy trì hoạt động kinh doanh hoặc thúc đẩy mở rộng doanh nghiệp.
Từ đầu năm 2023, Chính phủ đã tích cực xây dựng rất nhiều các giải pháp giúp bình ổn kinh tế như thúc đẩy đầu tư công; ban hành các gói hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế; nới lỏng dần chính sách tiền tệ; khuyến khích ngân hàng hạ lãi suất cho vay; xem xét hành lang pháp lý gỡ khó cho doanh nghiệp…
Đặc biệt đối với triển vọng ngành bất động sản khu công nghiệp trong năm 2023, Việt Nam vẫn là điểm đến tiềm năng, hấp dẫn với các nhà sản xuất trên thế giới. Apple, Foxconn thời gian qua đã chuyển một phần sản xuất của mình sang Việt Nam, cùng với đó là Dell đã yêu cầu các nhà cung cấp linh kiện của mình sẵn sàng năng lực sản xuất ở các quốc gia ngoài Trung Quốc.
Động lực này đến từ nhiều yếu tố như xu hướng các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa khu vực hoạt động hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, các chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) như miễn, giảm thuế và nhiều chính sách khác góp phần thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại đầu tư vào Việt Nam.Ngoài ra, việc cải thiện cơ sở hạ tầng trong thời gian tới như các dự án đường Vành đai 3 và Vành đai 4 TP HCM, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Dầu Giây – Phan Thiết, đường cao tốc Bắc – Nam, cảng Cái Mép – Thị Vải và cảng Gemalink sẽ tạo kết nối thuận tiện cho các khu công nghiệp.
Từ những yếu tố trên chúng tôi kỳ vọng thị trường M&A 2024 sẽ còn phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Comments