top of page
Ảnh của tác giảVirtus Prosperity

M&A NGÀNH THUỶ SẢN: CÁ LỚN NUỐT CÁ BÉ



Trong năm 2024, Ngành thủy sản toàn cầu tiếp tục phát triển mạnh mẽ với nhiều yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng. Thị trường dự kiến sẽ tăng từ 236,61 tỷ USD vào năm 2023 lên 254,2 tỷ USD vào năm 2024, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 7,4%​


Khu vực Châu Á, Thái Bình Dương dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất do nhu cầu mạnh mẽ từ các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi thủy sản chiếm vị trí quan trọng trong thói quen ăn uống. Cơ sở hạ tầng và công nghệ tiên tiến trong sản xuất thủy sản cũng góp phần đáp ứng nhu cầu tăng cao này.


Đông Nam Á vẫn đang là một trong những khu vực xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Các quốc gia như Việt Nam và Thái Lan tiếp tục giữ vững vị thế của mình trên thị trường quốc tế nhờ vào chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất tiên tiến​. Trong bối cảnh Mỹ cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga và EU áp thuế trừng phạt 13.7% mặt hàng cá từ Nga, các mặt hàng thuỷ sản của Đông Nam Á sẽ được lợi khi trở thành sản phẩm thay thế. 


Với sức nóng của ngành thuỷ sản, M&A đã dần trở thành xu thế tất yếu từ năm 2015. Các doanh nghiệp to đưa ra những miếng mồi béo bở từ lợi thế thị trường của họ nhằm thôn tính doanh nghiệp nhỏ vẫn còn đang chật vật trong việc mở rộng thị trường. Tuy nhiên, lời hứa “đôi bên cùng được lợi” không phải lúc nào cũng được thực thi, dẫn đến tình trạng cá lớn nuốt cá bé đang gia tăng trong ngành thuỷ sản. Một trong những ví dụ điển hình chính là phi vụ sáp nhập giữa Thai Union và Red Lobster năm 2014.



CHIẾN LƯỢC M&A RÚT RUỘT CỦA THAI-UNION GROUP - ÔNG LỚN TRONG NGÀNH THUỶ SẢN TOÀN CẦU


Bối Cảnh


Thai-Union Group được thành lập vào năm 1977 tại Thái Lan. Sau hơn 1 thập kỷ, doanh nghiệp này đã có bước chuyển mình ngoạn mục từ công ty nhỏ lẻ thành một doanh nghiệp chuyên cung cấp hải sản cho thị trường toàn cầu với quy mô nằm trong top 5 thế giới (năm 2024). Sự thành công của Thai-Union Group đã chứng tỏ tiềm lực mạnh mẽ của ngành thuỷ sản và là thị trường màu mỡ, sôi động để khai thác. 




Chiến dịch Buffet tôm không giới hạn


Red Lobster là một chuỗi nhà hàng hải sản bình dân có tiếng tăm tại Mỹ. Thai-Union đã cung cấp mặt hàng tôm cho thương hiệu này được 30 năm trước khi chính thức sáp nhập vào năm 2014. Ngay sau khi lên nắm quyền, doanh nghiệp Thái Lan này liên tục thúc ép chiến dịch buffet tôm không giới hạn nhằm tăng lượng khách đến nhà hàng. Chiến dịch buffet bề ngoài có vẻ tiềm năng để nâng cao danh tiếng cho doanh nghiệp, khi lượng đặt hàng tôm tại thị trường Mỹ tăng đến 35% cùng năm, chứng tỏ sự yêu thích của người dân với mặt hàng này đang tăng mạnh. Tuy nhiên, bước vấp ngã của Thai-Union là đã không giới hạn thời gian ngồi ăn và ngày áp dụng chương trình, dẫn đến cuộc đại khủng hoảng của Red Lobster ngay sau đó.


Thiếu quan tâm về văn hoá và hệ quả


Cách biệt văn hoá làm họ không ngờ được rằng, khả năng tiêu thụ của người Mỹ cao đến mức khách hàng ở lại ăn nhiều giờ đồng hồ với số lượng tôm hàng trăm con mỗi người. Chiến dịch khiến tập đoàn Red Lobster thâm hụt đến 11 triệu đô chỉ sau 1 tháng khởi chạy chương trình. Nhưng Thai-Union Group vẫn bắt chuỗi nhà hàng này phải chi trả cho việc mua tôm và được hưởng lợi nhuận khổng lồ trực tiếp từ chính khoản thua lỗ này. Cho đến ngày hôm nay, Red Lobster đã chính thức nộp đơn xin phá sản từ tháng 5 năm 2024 và vẫn chưa bao giờ thực sự hồi phục kể từ khi khủng hoảng tôm hùm diễn ra.





M&A NGÀNH THUỶ SẢN, TRONG CÁI LỢI CÓ CÁI HẠI  


Lợi ích của thương vụ sáp nhập Red Lobster và Thai-Union  


Để trụ vững trong làn sóng cạnh tranh ngành thuỷ sản, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã có những bước đi chiến lược trong việc mở rộng quy mô cũng như tìm kiếm những đối tác tiềm năng. Xu hướng M&A trong lĩnh vực thủy sản là một trong những phương thức hiệu quả giúp các doanh nghiệp thủy sản tái cơ cấu, mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa ngành hàng và lĩnh vực kinh doanh, tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp thủy sản trụ vững trước những khó khăn, thách thức. 


Đối với Thai-Union, một doanh nghiệp chỉ thuần cung cấp thuỷ sản cho các đối tác, việc M&A với Red Lobster đã giúp họ mở rộng thị trường tiêu thụ tại Mỹ, gia tăng giá trị doanh nghiệp qua khâu chế biến thực phẩm. Đặc biệt thuận lợi hơn khi thị trường trong giai đoạn đó đang diễn biến theo chiều hướng tốt cho những doanh nghiệp thủy sản Mỹ, chẳng hạn như thanh khoản cao, lãi suất thấp - dưới 5% một năm - và đặc biệt là những điều khoản có lợi mới trong những khoản vay tài chính 5 năm, chủ yếu cho những thương vụ mua lại và hợp nhất.


Bẫy M&A và nguy cơ thâu tóm


Bên cạnh những thành tựu mà phi vụ M&A này mang lại, cũng có nhiều mặt trái xảy ra như: Hình thành thế lực độc quyền, thâu tóm trên cơ sở xung đột lợi ích vẫn chưa được giải quyết. Cán cân quyền lợi đã không hề công bằng cho cả hai doanh nghiệp mà nghiêng hẳn về Thai-Union, dẫn đến sự phá sản đáng tiếc của Red Lobster sau đó. 


Sự thất bại của phi vụ này xảy ra vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, trong đó là những thách thức từ đại dịch Covid-19 dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu làm tăng chi phí và thiếu hụt nguồn cung. Ngoài ra, khi cố gắng thay đổi bộ máy vận hành của mình để gỡ gạc lại số tiền thua lỗ khổng lồ, Red Lobster lại vướng phải sự can thiệp bởi các nhân viên cấp cao người Thái. Thiếu đi sự chủ động và khả năng tự đưa ra quyết định, hàng loạt nhân viên cốt cán đã ra đi, để lại một trong những nhà hàng buffet hải sản từng lừng danh nhất nước Mỹ giờ đây trở thành chiếc vỏ rỗng. Tháng 5 năm 2024, công ty Red Lobster chính thức đưa ra thông báo phá sản, đồng thời lên kế hoạch chia năm xẻ bảy bù lỗ cho các nhà đầu tư. 


Chính case study trên đã mở ra nhiều bài học khi M&A nói chung và M&A thuộc lĩnh vực thuỷ sản nói riêng:

  • Doanh nghiệp cần tìm hiểu về thị trường sáp nhập để đưa ra những chiến dịch phù hợp với văn hoá, bản sắc và nhu cầu của người tiêu thụ.

  • Loại bỏ những xung đột lợi ích và giải quyết khác biệt văn hoá giữa hai công ty ngay sau khi tiến hành sáp nhập. 

  • Không can thiệp quá sâu vào bộ máy điều hành của doanh nghiệp được sáp nhập.

  • Hợp tác phải dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi để đảm bảo môi trường M&A lành mạnh, chống thâu tóm. 


10 lượt xem0 bình luận

Comments


bottom of page