Nghệ thuật ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của xã hội loài người. Với quá trình tiến triển của xã hội, hình thức và mục đích của nghệ thuật cũng phát triển theo, từ các tác phẩm nghệ thuật đơn thuần thể hiện giá trị thẩm mỹ dần trở thành một loại tài sản đáng đầu tư và trở nên phát triển mạnh mẽ.
Thị trường nghệ thuật có nguồn gốc từ thời cổ đại, khi các tác phẩm nghệ thuật được mua bán và trao đổi như hàng hóa. Các tác phẩm trong thời kỳ này chủ yếu được sản xuất để phục vụ cho các mục đích tôn giáo, chính trị và cá nhân. Đến thời kỳ Phục Hưng, thị trường nghệ thuật bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn ở châu Âu, xuất hiện những họa sĩ nổi tiếng như Michelangelo và Botticelli cùng những kiệt tác được lưu giữ đến ngày nay; các trung tâm nghệ thuật cũng dần xuất hiện, thực hiện trao đổi, mua bán các tác phẩm.
Thế kỷ 17 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của thị trường: việc sưu tầm tác phẩm nghệ thuật trở nên thịnh hành trong giới thượng lưu; sự xuất hiện của các triển lãm, hội chợ, sự phát triển của các trung tâm nghệ thuật như Antwerp và Amsterdam… Đây cũng là giai đoạn đỉnh cao của nghệ thuật, là thời kỳ ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật kinh điển của nhân loại.
Trong khoảng thế kỉ 18, nhân tố quan trọng của thị trường xuất hiện: hai nhà đấu giá nổi tiếng nhất hiện nay Sotheby’s và Christie’s, bắt đầu từ những món đồ cổ và sau đó mở rộng sang cả những loại hình đấu giá khác. Thị trường đấu giá tiếp tục tăng trưởng cùng với sự mở rộng về số lượng, quy mô và tầm quan trọng của viện bảo tàng nghệ thuật vào thế kỷ 19.
Cho đến hiện nay, đầu tư vào nghệ thuật vẫn nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư bởi không chỉ những đặc tính vốn có của các lớp tài sản như tiềm năng gia tăng giá trị, đem lại sự đa dạng hóa danh mục đầu tư, nhu cầu quốc tế tăng cao… mà còn bởi sự khan hiếm, tính duy nhất, là một phương tiện lưu giữ giá trị thẩm mỹ và văn hóa. Nếu như trước đây, đầu tư vào nghệ thuật được xem là hoạt động chỉ dành cho tầng lớp quý tộc, thì hiện nay, đầu tư nghệ thuật đã trở nên phổ biến hơn với nhiều đối tượng thuộc các tầng lớp khác nhau và các hình thức đầu tư khác nhau như tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc, NFT và nhiều loại mặt hàng xa xỉ khác.
Sự tăng trưởng bền vững của thị trường nghệ thuật
Thị trường nghệ thuật toàn cầu đã tăng trưởng ổn định trong những thập kỉ qua, với tổng doanh thu đạt $67.8 tỷ vào năm 2022, tăng 3% so với năm trước và lợi nhuận trung bình là 7.6% theo báo cáo thị trường nghệ thuật của Art Basel & UBS. Mỹ, Hồng Kông, Trung Quốc, Anh và Pháp là những thị trường dẫn đầu về các giao dịch trên toàn cầu. Tổng doanh số của các công ty đấu giá ước tính đạt $30.6 tỷ vào năm 2022. Theo tờ Fortune, từ năm 1995 đến 2022, nghệ thuật đương đại được đánh giá cao với tốc độ tăng trưởng kép 12.6%, vượt xa S&P 500 với 9% trong cùng giai đoạn thời gian. Trong bối cảnh biến động mạnh của thị trường vốn, giá trị nghệ thuật tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, thu hút số lượng nhà đầu tư đáng kể với giá trị ròng cao (từ 39% năm 2019 lên 66% năm 2021).
Ảnh 1. Tỷ lệ nhập khẩu và xuất khẩu nghệ thuật và đồ cổ toàn cầu (2022) (Nguồn: Art Basel & UBS)
Ngoài giá trị về mặt thẩm mỹ, nhiều nhà đầu tư xem các tác phẩm nghệ thuật như một lớp tài sản bảo vệ trước những cú sốc kinh tế như lạm phát hay lãi suất tăng. Tuy nhiên ở Việt Nam, hình thức này vẫn còn khá mới lạ dù thị trường nghệ thuật ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung đang giữ được vị trí ưu thế trên toàn cầu. Gần đây, với những thông báo bổ nhiệm nhân sự và sự kiện được tổ chức bởi một vài nhà đấu giá lớn trên thế giới như Sotheby’s, Christie’s, Phillips đây hứa hẹn sẽ là một cơ hội đầu tư tiềm năng đối với các nhà đầu tư Việt Nam.
Comments