Việt Nam – Điểm sáng về chỉ số P/E trong khu vực Đông Nam Á
Trong năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục ghi nhận những dấu ấn tích cực, đặc biệt với chỉ số P/E (Price-to-Earnings Ratio) đạt mức 14,17. So với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, hay Philippines, Việt Nam nổi bật với một chỉ số P/E khá cao, phản ánh sự kỳ vọng mạnh mẽ của nhà đầu tư vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. Chỉ số này không chỉ là con số, mà còn là thước đo tâm lý thị trường và niềm tin vào tương lai của các doanh nghiệp Việt Nam.
Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam: Dư địa tăng trưởng còn lớn
Dù đạt nhiều thành tựu trong năm 2024, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, tổng vốn hóa của Việt Nam ước đạt 214 tỷ USD, chỉ bằng 1/4 so với Indonesia (829 tỷ USD) và chưa bằng 1/3 so với Thái Lan (693 tỷ USD) hay Singapore (622 tỷ USD). Con số này phần nào phản ánh quy mô còn hạn chế của thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh khu vực đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Đặc biệt, nếu so sánh tỷ lệ vốn hóa/GDP, Việt Nam cũng nằm ở mức thấp với 45,8%, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia láng giềng như Thái Lan (131,0%), Singapore (117,3%), Malaysia (99,2%), hay Philippines (71,7%). Con số này cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển thị trường vốn, đồng thời cũng là cơ hội để thu hút thêm dòng tiền đầu tư trong tương lai.
Ngành tài chính: Động lực tăng trưởng chính của thị trường chứng khoán Việt Nam
Thị trường chứng khoán Đông Nam Á ghi nhận sự phụ thuộc lớn vào nhóm ngành tài chính, khi đây là lĩnh vực chiếm tỷ trọng vốn hóa cao nhất tại nhiều quốc gia trong khu vực. Tại Singapore, ngành tài chính chiếm tới 58,2% tổng vốn hóa, trong khi tại Việt Nam và Indonesia, tỷ lệ này lần lượt là 34,7% và 30,7%. Điều này cho thấy ngành tài chính đóng vai trò chủ lực trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của thị trường chứng khoán khu vực.
Nhìn chung, so với thị trường chứng khoán của một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn khi giá trị vốn hoá thấp hơn nhiều so với các nước khác như Indonesia, Thái Lan, Singapore. Bên cạnh đó, cũng giống như những nước khác, nhóm ngành Tài chính là động lực phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Xếp hạng thị trường: Việt Nam trong nhóm "cận biên"
Theo phân loại của FTSE Equity Country Classification tính đến ngày 23/09/2024, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm "Frontier" (cận biên), xếp hạng thấp hơn so với các nước Đông Nam Á khác như Indonesia, Philippines (Secondary Emerging - thị trường mới nổi sơ cấp), Malaysia, Thái Lan (Advanced Emerging - thị trường mới nổi tiến tiến), và Singapore (Developed - thị trường phát triển).
Sự phân loại này phản ánh thực trạng quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhỏ, thiếu tính thanh khoản cao và các chuẩn mực quốc tế so với các thị trường lớn hơn trong khu vực. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam cải thiện cơ sở hạ tầng tài chính, minh bạch hóa chính sách và thu hút thêm vốn đầu tư từ nước ngoài nhằm tiến gần hơn tới các nhóm thị trường cao hơn trong tương lai.
TRIỂN VỌNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến áp lực bán ròng kéo dài từ nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng bán ròng này đã bắt đầu từ năm 2020, kéo dài đến cuối năm 2021, chỉ đảo chiều nhẹ vào cuối năm 2022 trước khi gia tăng mạnh trở lại trong giai đoạn 2023-2024. Tính tới ngành 15/11/2024, khối ngoại đã bán ròng hơn 83.700 tỷ đồng trên VN-Index (tương đương với khoảng 3 tỷ USD). Đây là mức cao kỉ lục kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam. Không chỉ có Việt Nam, tại khu vực ASEAN, ngoại trừ Indonesia và Malaysia ghi nhận mức mua ròng nhẹ luỹ kế từ đầu năm, các thị trường còn lại như Thái Lan, Philippines đều bị khối ngoại bán ròng. Đặc biệt trong quý 4/2024, khối ngoại đã bán ròng trên tất cả các thị trường trong khu vực với mức bán gia tăng đáng kể trong khoảng một tháng gần đây.
Quốc gia | Ngày dữ liệu | MTD | YTD | 12M |
Indonesia | 14/11/2024 | (555.2) | 1,975.2 | 2,566.9 |
Malaysia | 14/11/2024 | (158.8) | 234.6 | 388.9 |
Philippines | 15/11/2024 | (234.3) | (190.4) | (144.4) |
Thái Lan | 15/11/2024 | (300.4) | (3,726.4) | (4,067.2) |
Việt Nam | 14/11/2024 | (254.3) | (2,875.0) | (3,303.0) |
Mặc dù xu hướng bán ròng vẫn tiếp diễn, nhưng Việt Nam có nhiều yếu tố tích cực hứa hẹn thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại trong thời gian tới:
1. Sự ổn định về kinh tế và chính trị
Trong bối cảnh toàn cầu nhiều bất ổn với xung đột chính trị, suy thoái kinh tế xảy ra ở nhiều nơi, Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định về kinh tế và chính trị. Vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, kết thúc năm 2024, Việt Nam ước đạt mức tăng trưởng GDP trên 7%, nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Đây là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam giữ vị thế hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
2. Triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán
Với việc hoàn thành 7/9 chỉ tiêu nâng hạng của FTSE, Việt Nam đang có triển vọng trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ Cận biên (Frontier Market) lên Mới nổi (Emerging Market). Với 2 tiêu chí còn lại, tiêu chí pre-funding (kí quỹ trước giao dịch) đã được sửa đổi, đang chờ FTSE đánh giá, còn tiêu chí chi phí giao dịch thất bại đang trong quá trình xây dựng. Việc được nâng hạng lên thị trường Mới nổi sẽ mang lại nhiều lợi thế đáng kể cho Việt Nam, bao gồm việc thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế từ các quỹ đầu tư lớn bởi nhiều quỹ đầu tư quốc tế chỉ được phép đầu tư vào các thị trường mới nổi, không vào thị trường cận biên.
3. Chính phủ triển khai các biện pháp cải cách
Hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, Chính phủ đang triển khai các biện pháp cải cách nhằm nâng cao chất lượng thị trường. Điển hình là việc ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC cho phép các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không cần kí quỹ 100% trước giao dịch và nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin. Bên cạnh đó, Quốc hội còn tiến hành sửa đổi Luật Chứng khoán để giải quyết các rào cản còn tồn tại. Những thông tư, điều luật sửa đổi sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư quốc tế, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư ngoại tham gia tích cực hơn, góp phần tăng thanh khoản và giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Comentarios