top of page

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong 6 lĩnh vực chủ chốt

  • Ảnh của tác giả: Virtus Prosperity
    Virtus Prosperity
  • 27 thg 3
  • 5 phút đọc

Đã cập nhật: 28 thg 3



​Ngày 21/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt hai con số, hướng tới phát triển nhanh và bền vững. Chỉ thị này nhấn mạnh vai trò tiên phong của DNNN trong sáu lĩnh vực chủ chốt, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy để tạo điều kiện cho DNNN phát huy hiệu quả.


Trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới và trong nước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, DNNN được xem là công cụ quan trọng để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giữ vị trí nòng cốt, chủ lực trong những ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước và bảo đảm an ninh, quốc phòng, đặc biệt bảo đảm an ninh năng lượng; bảo đảm cân đối lớn và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quan trọng cho nền kinh tế như điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản.


6 lĩnh vực chủ chốt doanh nghiệp nhà nước cần tiên phong

Để thực hiện vai trò này, Thủ tướng yêu cầu DNNN tập trung tiên phong trong 6 lĩnh vực chủ chốt:


Thứ nhất, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.


Thứ hai, tiên phong trong đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược, nhất là xây dựng thể chế, đột phá về thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn.


Thứ ba, tiên phong trong tăng tốc, bứt phá tăng trưởng, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho tăng trưởng, phát triển đất nước nhanh, bao trùm, bền vững.


Thứ tư, tiên phong trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, trong đầu tư nghiên cứu và phát triển.


Thứ năm, tiên phong tích cực tham gia thực hiện chính sách xã hội và an sinh xã hội bảo đảm công bằng, tiến bộ, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của đất nước, nhất là trong chương trình nhà ở xã hội và xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.


Thứ sáu, tiên phong tạo hàng hóa, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, nâng cao giá trị sản phẩm của đất nước chúng ta, đề cao ảnh hưởng của đất nước chúng ta, tham gia dẫn dắt các cuộc chơi liên quan tới các chuỗi giá trị toàn cầu.


Tăng cường doanh nghiệp nhà nước thông qua đổi mới, cải cách chính sách và đầu tư chiến lược

DNNN cần tiếp tục đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy và phương thức hoạt động, đồng thời đóng vai trò chủ động trong việc rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Trên cơ sở đó, DNNN sẽ đề xuất các giải pháp phù hợp, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững.


Bên cạnh đó, DNNN phải đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất lao động, ứng dụng mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, quản trị thông minh và chuyển đổi số. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, ưu tiên các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.


Thủ tướng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới công tác cán bộ trong DNNN, bao gồm tuyển dụng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ chất lượng cao, cũng như thu hút và trọng dụng nhân tài.


Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, cơ quan quản lý, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan đại diện chủ sở hữu DNNN phải tích cực lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh từ doanh nghiệp và người dân, từ đó kịp thời tổng hợp và giải quyết các vướng mắc trong thực tế. Các bộ, ngành cần khẩn trương xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực cơ chế, chính sách, với tinh thần “5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.



Chỉ thị cũng yêu cầu thực hiện quyết liệt và hiệu quả chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18, qua đó nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với khu vực doanh nghiệp, trong đó có DNNN.


Thủ tướng yêu cầu tập trung thiết kế và triển khai các chính sách vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng cho sự phát triển của DNNN cũng như các thành phần kinh tế khác. Cùng với đó, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng để hướng tới phát triển nhanh và bền vững.


Ngoài ra, cần nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện các quy định liên quan đến đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đồng thời, cần đề xuất các cơ chế, chính sách mang tính “đòn bẩy, điểm tựa” để khai thác tối đa nguồn lực từ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho DNNN nói riêng và toàn bộ khu vực doanh nghiệp nói chung phát triển mạnh mẽ, bứt phá trong thời gian tới.

 
 
 

Comments


CÔNG TY CỔ PHẦN VIRTUS PROSPERITY

Tòa nhà ATS, 252 Hoàng Quốc Việt,

phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

VIRTUS PROSPERITY ASIA PTE. LTD.

14 Robinson Road #08-01A, Far East Finance Building, Singapore

(+84) 89 98 66 898

Về chúng tôi

Dịch vụ cung cấp

Khám phá thêm

Tư vấn Tài chính

Quản lý Gia sản

Đầu tư

linkedin Virtus.png
  • LinkedIn
  • Facebook

Copyright © 2024 CÔNG TY CỔ PHẦN VIRTUS PROSPERITY

bottom of page