top of page
quynhddforwork

SỨC HÚT CỦA THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM: ĐIỂM ĐẾN MỚI CHO CÁC NHÀ ĐẤU GIÁ QUỐC TẾ

Đã cập nhật: 18 thg 7


Tiềm năng của thị trường Việt Nam


Trong phần trước, chúng ta đã đề cập đến xu hướng nắm giữ các tác phẩm nghệ thuật như một khoản đầu tư sinh lời. Xu hướng này không chỉ hiện hữu ở các nước phương Tây mà ở Châu Á, hình thức này cũng ngày càng trở nên phổ biến. Trong hơn 2 thập kỉ vừa qua, các nhà đấu giá lớn trên thế giới đã tập trung hơn vào thị trường châu Á, nơi đóng góp ⅓ doanh thu của họ. Bên cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Hong Kong hay Hàn Quốc, Việt Nam cũng là thị trường đầy tiềm năng được các “ông lớn” để mắt đến. 


Với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, các tác phẩm nghệ thuật, cổ vật Việt Nam rất được săn đón trên các sàn đấu giá quốc tế. Chẳng hạn như những bức họa sáng tác bởi các họa sĩ nổi tiếng như Lê Phổ, Mai Trung Thứ… được bán với giá hơn triệu đô tại các buổi đấu giá quốc tế lớn. Hay những món cổ vật gắn liền với cột mốc lịch sử Việt Nam: đồ gốm, ấn vàng, trang sức, đồng hồ… đều được đấu giá tiền tỷ trên các sàn đấu giá, tất cả đều khẳng định sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 


Sự quan tâm của các Nhà Đấu giá Quốc tế với Việt Nam


Bên cạnh những cổ vật quý hiếm cùng những bộ sưu tập nghệ thuật ấn tượng, thị trường Việt Nam còn sở hữu một tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc, cho phép nhiều nhà đầu tư gia nhập vào thị trường. Với tiềm năng về kinh tế đầy triển vọng đó, các nhà đấu giá lớn đã và đang tìm hiểu về thị trường Việt Nam và có chiến lược gia nhập vào thị trường.


Sotheby’s là nhà đấu giá tiên phong thể hiện sự quan tâm đến Việt Nam. Sotheby’s - nhà đấu giá lớn nhất thế giới với hơn 280 năm tuổi với doanh thu đạt hơn $7 tỷ, đã bổ nhiệm nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê giữ vai trò Giám đốc Điều hành của Sotheby’s tại thị trường Việt Nam. Ngay sau đó, Sotheby’s tổ chức 2 triển lãm “Hồn xưa bến lạ” và”Mộng Viễn Đông” trong năm 2022 và 2023 nhằm kích cầu thị trường nghệ thuật tại Việt Nam và gây được tiếng vang lớn.


Nối tiếp Sotheby’s, Christie’s cũng thông báo bổ nhiệm bà Crystal Lam làm cố vấn tại Việt Nam với mong muốn thúc đẩy tiềm năng và sự tham gia của Việt Nam tại các buổi đấu giá quốc tế.


Phillips cũng nhanh chóng bổ nhiệm bà Trần Lan Vy trở thành Chuyên gia Cố vấn - đại diện Phillips tại Việt Nam, đánh dấu sự kiện quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường của Phillips tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. 


Cơ hội vàng cho Việt Nam


Những thông tin đáng mừng đến từ các nhà đấu giá quốc tế hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội, lợi ích cho các bên liên quan tại Việt Nam.


Đối với người bán: Các nhà đấu giá quốc tế khi bước chân vào thị trường Việt Nam sẽ đem đến những chuyên gia thẩm định, giám tuyển nghệ thuật có chuyên môn, niêm yết giá cả của những tác phẩm, cổ vật; gia tăng tính thanh khoản; đem đến giá trị lớn cho người bán thông qua việc đấu giá các tác phẩm. Ngoài ra, điều này cũng kích thích các nhà sưu tầm để tiếp tục khai phá, tìm kiếm thêm các tác phẩm giá trị, lưu giữ nét văn hóa truyền thống của Việt Nam, nâng cao vị thế của thị trường Việt Nam trên bản đồ quốc tế.


Đối với người mua: Sự xuất hiện của các tên tuổi đấu giá lớn tại Việt Nam đem lại cho các nhà đầu tư cơ hội được tiếp xúc với nhiều tác phẩm, cổ vật, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa danh mục đầu tư. Các thông tin về tác phẩm, tác giả, vấn đề bản quyền, giá niêm yết cũng sẽ được công khai, đảm bảo tính an toàn và minh bạch, hạn chế vấn đề thông tin bất cân xứng thay vì hoạt động giao dịch trên thị trường phi tập trung như trước đây. Đồng thời, các phiên đấu giá cũng giúp cho cổ vật Việt Nam có thể được giao dịch một cách hợp pháp để bán cho người nước ngoài. Đặc biệt, thông qua đấu giá, người nước ngoài có thể đem cổ vật đến Việt Nam để bán, từ đó cổ vật Việt Nam được hồi hương một cách hợp pháp. 


Đối với thị trường đấu giá: Sự xuất hiện của các tên tuổi đấu giá quốc tế chuyên nghiệp, quy mô lớn đã tạo ra cơ hội cho các nhà đấu giá nội địa phát triển và tổ chức lại mô hình đấu giá theo chuẩn quốc tế, từ đó tạo lập và thúc đẩy sự phát triển của thị trường đấu giá trong nước. Với giá được niêm yết qua các sàn đấu giá, thị trường cũng sẽ gia tăng tính thanh khoản, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào thị trường đầy sôi động. Thị trường đấu giá cũng sẽ được đa dạng hóa các sản phẩm từ các món cổ vật đến tranh nghệ thuật, đồng hồ, trang sức, xe hơi… và nhiều sản phẩm khác có tính độc đáo, mang dấu ấn văn hóa của Việt Nam vì sức hấp dẫn đến từ thị trường này.

 

Đối với nền kinh tế: Khi thị trường đấu giá được tạo lập, các hoạt động mua và bán các tác phẩm, cổ vật trên sàn đấu giá sẽ đem lại nguồn doanh thu lớn từ thuế, đóng góp vào GDP nước nhà, thu hút các nguồn vốn đầu tư quốc tế... góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.


Tuy nhiên, đầu tư vào nghệ thuật hay đấu giá cổ vật vần còn mới lạ, chưa phổ biến tại Việt Nam. Hệ thống thượng tầng kiến trúc, hạ tầng cơ sở tại Việt Nam chưa phát triển, thiếu hệ thống thẩm định, giám tuyển nghệ thuật, các kênh phân phối nghệ thuật như phòng tranh, nhà môi giới… Ngoài ra, thị trường còn thiếu những chương trình giáo dục lịch sử mỹ thuật, khung luật pháp, hệ thống kinh viện, bảo tàng lịch sử. Vậy nên để thu hút được các nhà đấu giá quốc tế gia nhập thị trường, Việt Nam cần cải thiện nhiều vấn đề để xây dựng một thị trường an toàn lành mạnh cho không chỉ cộng đồng yêu nghệ thuật, các nhà sưu tầm mà còn cả các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.


0 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Kommentare


bottom of page